Một số cải tiến và ứng dụng thực tế S-75_Dvina

Cải tiến tại Việt Nam

Cải tiến đáng kể nhất của hệ thống S-75 Dvina tại Việt Nam là việc chống nhiễu điện tử, đảm bảo cho bộ khí tài điều khiển tên lửa hoạt động bình thường. Ngày 15 tháng 12 năm 1967, Không quân Hoa Kỳ tung ra 44 phi vụ máy bay cường kích đánh phá cầu Đuống. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội phóng lên 8 quả đạn đều không điều khiển được, hoặc rơi xuống đất, hoặc vượt mục tiêu tự huỷ. Sở dĩ có hiện tượng trên là do không quân Hoa Kỳ đã sử dụng máy phát nhiễu ALQ-71 gây nhiễu toàn bộ rãnh sóng điều khiển đạn và rãnh sóng xung trả lời của đạn (gọi chung là nhiễu rãnh đạn).

Sau khi dùng các biện pháp thu sóng kết hợp chụp ảnh, lực lượng phòng không Việt Nam đã phát hiện ra dải tần số và cường độ của loại nhiễu này. Từ các phát hiện trên, các chuyên gia Liên Xô và các kỹ sư quân sự Việt Nam đã khắc phục bằng phương pháp "át nhiễu", nâng công suất sóng trả lời của đạn và sóng điều kiển đạn lên gấp ba lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu không chỉ của loại ALQ-71 mà còn cả các loại máy gây nhiễu cùng tính năng có công suất lớn hơn như ALQ-101, ALQ-107. Từ năm 1968 đến năm 1973, các loại máy gây nhiễu rãnh đạn kiểu ALQ-xxx của không lực Hoa Kỳ trở nên vô hiệu đối với S-75 Dvina.

Ngoài ra, trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Hoa Kỳ tại miền Bắc Việt Nam từ 1965 đến 1968 và năm 1972, hệ thống radar của S-75 Dvina đã được cải tiến 4 lần với 40 nội dung kỹ thuật để theo kịp cuộc chiến tranh điện tử của không lực Hoa Kỳ, bảo đảm an toàn trong sử dụng và nâng cao độ chính xác khi chiến đấu.[12]

Trong kháng chiến chống Mỹ, trường Sĩ quan Pháo binh đã được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm pháo binh bờ biển Sầm Sơn - Thanh Hóa nghiên cứu sử dụng tên lửa phòng không SAM-2 như là tên lửa chống hạm để đánh tàu chiến địch. SAM-2 vốn là tổ hợp tên lửa phòng không, nhưng vẫn có thể bắn được mục tiêu trên mặt nước nếu nó có bề mặt phản xạ điện từ lớn (để bám bắt bằng radar) hoặc kích thước lớn (để bám sát bằng khí tài quang học). Như vậy, về lý thuyết thì có thể dùng SAM-2 để bắn vào tàu chiến lớn cỡ khu trục hạm. Đạn V-750 có tầm bắn lên đến 30 km, mang đầu đạn nặng 190 kg, khi bắn mục tiêu mặt nước sẽ bay vọt lên cao rồi “bổ nhào” xuống mục tiêu, 1 tiểu đoàn tên lửa C-75 có thể phóng liên tiếp 3 đạn về phía mục tiêu. Đây chỉ là biện pháp bất đắc dĩ vì tên lửa có giá thành khá đắt, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đó là loại vũ khí mạnh nhất mà Việt Nam có được (khi đó Liên Xô chưa viện trợ tên lửa chống hạm cho Việt Nam). Tuy nhiên, việc này chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chưa từng có hệ thống SAM-2 nào được dùng để bắn vào tàu chiến Mỹ.

Ứng dụng thực tế

Cuốn tài liệu "Cách đánh B-52" (thường gọi là "Cẩm nang bìa đỏ") do Phòng Tác huấn của Binh chủng Tên lửa phòng không Việt Nam biên soạn, một tài liệu ứng dụng hữu hiệu hệ thống SAM-2 góp phần bắn rơi nhiều B-52 của không quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

S-75 Dvina vốn là loại vũ khí phòng không được chế tạo để bảo vệ mục tiêu cố định là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu dân cư lớn, các căn cứ quân sự, sở chỉ huy cố định và các yếu địa khác; vì vậy, tính chất tác chiến chủ yếu của nó là cố định và đặc điểm cấu tạo của vũ khí này cũng phù hợp với các trận địa cố định. Trận địa SA-2 cơ bản có hình lục giác đều với bán kính tới vài trăm mét nên dễ bị phát hiện từ trên không, sau này người Việt Nam đã bỏ kiểu bố trí đó vì lý do trên.

Trong chiến tranh đất đối không tại Việt Nam (1965-1972), do ưu thế gần như áp đảo của không quân Hoa Kỳ nên các đơn vị phòng không Việt Nam phải thực hiện chiến thuật cơ động và nghi binh cho tên lửa phòng không S-75 Dvina. Theo điều lệnh tác chiến của lực lượng phòng không Liên Xô (cũ), mỗi tiểu đoàn S-75 Dvina (kể cả loại S-75B Volkhov) đều cần từ 1 đến 2 trận địa dự bị trong phạm vi bán kính cơ động 5 đến 10 km. Tại Việt Nam, mỗi tiểu đoàn S-75 Dvina có từ 4 đến 6 trận địa dự bị ở phạm vi cơ động có thể lên đến hàng trăm km trên nhiều loại địa hình khác nhau. Sau mỗi trận đánh, toàn bộ khí tài được tháo dỡ, thu gom trong vòng chưa đến 1 giờ và được di chuyển ngay đến trận địa mới. Tại trận địa cũ, người ta thường để lại một bộ khí tài giả làm bằng tre và cót, được sơn phết giống như thật. Đã nhiều lần, máy bay cường kích của Hoa Kỳ đã đánh vào các trận địa giả này. Do đó, mặc dù có số lượng không lớn nhưng nhiều đơn vị S-75 Dvina của phòng không Việt Nam vẫn tránh được những đòn đánh hủy diệt của Hoa Kỳ, bảo toàn được lực lượng.[13]

Mặc dù cơ động những bộ khí tài có tổng trọng lượng lên đến hàng trăm tấn trong điều kiện địa hình phức tạp, đường giao thông kém phát triển nhưng lực lượng phòng không Việt Nam vẫn dùng sức người để vượt qua, gây nhiều bất ngờ cho Hoa Kỳ.

Cũng theo bài bản tác chiến thì mỗi tiểu đoàn tên lửa S-75 Dvina (kể cả loại S-75B Volkhov) đều phải triển khai đủ 6 bệ phóng và đầy đủ bộ khí tài kèm theo. Tuy nhiên, trong các năm 1966-1968 và 1972, khi triển khai chiến đấu tại địa bàn Quảng Bình, Vĩnh LinhQuảng Trị chật hẹp, nhiều tiểu đoàn chỉ triển khai được 3 bệ, 2 bệ, thậm chí một bệ vẫn chiến đấu mặc dù hiệu suất bị giảm. Ngay tại đồng bằng Bắc Bộ, trong năm 1972, do bị thiếu khí tài, một số tiểu đoàn đã mạnh dạn chia số lượng bệ phóng ra 2-3 trận địa, trên đó, đã lắp sẵn đạn. Khi đánh xong ở một trận địa, kíp chiến đấu lập tức kéo khí tài ra trận địa mới, đấu nối với các bệ phóng đã sẵn sàng và có thể chiến đấu được ngay. Chiến thuật này đã gây bất ngờ không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn ngay cả đối với các sĩ quan tên lửa Liên Xô đang làm cố vấn tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.[14]

Các biện pháp phản công và chống phản công

Trong năm tiếp sau Hoa Kỳ đã đưa ra một số giải pháp cho SAM-2. Hải quân nhanh chóng đưa tên lửa Shrike vào hoạt động, và thực hiện cuộc tấn công đầu tiên của họ vào một trận địa vào tháng 10. Không quân phản ứng bằng cách trang bị cho những chiếc máy bay ném bom B-66 các đài nhiễu âm mạnh che mắt các radar cảnh báo sớm, và phát triển các kén làm nhiễu nhỏ hơn cho các máy bay chiến đấu làm phân tán thông tin phản hồi tới radar. Những phát triển sau này gồm máy bay F-105 Wild Weasel được trang bị các kén làm nhiễu và các hệ thống phản công điện tử, với mục đích làm nhiễu và sau đó bắn vào các trận địa bằng các tên lửa Shrike của chúng.

Kết quả của việc gây nhiễu của Mỹ là trên màn hình đài radar liên tục xuất hiện nhiễu thụ động - từ dải băng hẹp đến dải sáng đều của toàn màn hình. Khi sử dụng nhiễu năng lượng cao, việc tiêu diệt máy bay tiêm kích-cường kích gần như là không thể. Về mặt lý thuyết, trong trường hợp nhiễu chủ động, tên lửa được dẫn đường theo phương pháp "3 điểm" song trên thực tế việc xác định tâm nhiễu là không thể do độ chiếu sáng mạnh trên màn hình.

Tuy nhiên người Liên Xô và Việt Nam đã có khả năng thích ứng với một số chiến thuật đó. Liên Xô đã nhiều lần nâng cấp radar để cải thiện tính năng chống phản công điện tử. Họ cũng đưa ra một phương thức dẫn đường thụ động mới, theo đó tên lửa có thể khoá mục tiêu vào chính máy gây nhiễu. Điều này giúp tăng thêm ưu thế, bởi radar có thể tắt đi, khiến các tên lửa Shrike không thể hoạt động nhưng đạn V-75 vẫn bám mục tiêu đã được khóa và diệt mục tiêu. Hơn nữa, một số chiến thuật mới được phát triển để chống lại tên lửa Shrike. Một trong số chúng là hướng radar sang bên cạnh và bất ngờ tắt đi. Bởi Shrike là tên lửa chống bức xạ khá sơ khai, nó sẽ đi theo luồng sóng ra khỏi radar và sau đó đơn giản là rơi xuống khi mất tín hiệu (khi radar dừng phát sóng). Một cách khác là "phóng giả", khi radar thám sát được bật nhưng các tên lửa thực tế không được phóng đi. Điều này cho phép khẩu đội tên lửa quan sát xem mục tiêu có được trang bị Shrike hay không. Nếu máy bay bắn một tên lửa, nó có thể bị vô hiệu bởi kỹ thuật bên trên trong khi các trận địa SAM không phải lãng phí đạn tên lửa.

Các hệ thống phòng không thay thế

Các lực lượng phòng không Liên Xô bắt đầu thay thế SAM-2 bằng các hệ thống SA-4, SA-5 hiện đại hơn từ cuối thập niên 1960, tiếp đó là SA-10SA-12 còn hiện đại hơn nữa từ thập niên 1980. Ngày nay, tất cả 4.600 bệ phóng tên lửa SAM-2 đã không còn phục vụ ở Nga, thậm chí dù chúng đã qua một chương trình hiện đại hoá vào năm 1993.

Tới năm 2010, SAM-2 vẫn còn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, với một số mức độ khả năng hoạt động ở 35 quốc gia. Ở thời điểm năm 2010, Việt Nam và Ai Cập là những nước triển khai nhiều nhất với 280 bệ phóng tại mỗi nước, Bắc Triều Tiên có 270 bệ phóng, và Ba Lan có 240. Trung Quốc cũng triển khai HQ-2 (một phiên bản copy SAM-2) với số lượng khá lớn cho tới khi loại chúng khỏi biên chế vào năm 2017.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: S-75_Dvina http://sites.google.com/site/samsimulator1972/home http://www.militaryparitet.com/nomen/russia/rocket... http://www.pmulcahy.com/PDFs/heavy_weapons/sams.pd... http://www.youtube.com/watch?v=djZGkQAwVKk http://www.pakdef.info/pakmilitary/army/sam/sa2gui... http://www.globalsecurity.org/military/world/russi... http://mdb.cast.ru/mdb/3-2008/item3/article3/ http://pvo.guns.ru/s75/s75.htm http://old.raspletin.ru/produce/adms/s75/ http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/phong-khong-...